10 Nguyên Tắc “Vàng” Cho Bé Ăn Dặm Mẹ Nhất Định Phải Biết

Ăn dặm được coi là một giai đoạn chuyển giao quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của trẻ nhỏ. Lúc này nhu cầu năng lượng của bé cao hơn. Và sữa mẹ hay sữa công thức không còn đáp ứng đủ năng lượng để bé hoạt động mỗi ngày nữa. Tuy nhiên, mối lo ngại mà các mẹ sẽ phải đối mặt khi bắt đầu cho bé tập ăn dặm, là sự tăng trưởng của bé sẽ không còn nhanh như khi bú sữa mẹ hoàn toàn nữa. Hơn thế, mẹ có quá ít thông tin về cho bé tập ăn dặm nên không biết cho bé ăn dặm như thế nào để bé phát triển toàn diện, một cách đơn giản và khoa học.

Để ăn dặm không còn là cuộc chiến thì mẹ nên “thuộc lòng như cháo chảy” 10 nguyên tắc vàng khi cho bé tập ăn dặm sau đây nhé. Để bé con của mình có những trải nghiệm thật thú vị và tuyệt vời khi bước sang giai đoạn mới của thế giới ẩm thực. Giai đoạn mà các giác quan của bé sẽ được phát triển mỗi ngày.

1. Cho bé ăn dặm phải đúng thời điểm

Thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm

Với những nghiên cứu của chuyên gia dinh dưỡng, thì thời điểm bắt đầu cho bé tập ăn dặm hoàn hảo nhất là khi bé được 6 tháng tuổi. Lúc này, dạ dày của bé đã có khả năng để tiêu hóa thức ăn khác ngoài sữa khá dễ dàng rồi. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp bé sẽ ăn dặm sớm hơn tầm 4 tháng tuổi. Do mẹ thiếu sữa hoặc bé đã có dấu hiệu muốn ăn dặm như nhìn bố mẹ ăn, chộp với đồ ăn khi nhìn thấy… Không phải cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi là không tốt. Khi mẹ duy trì cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sơ sinh là tuyệt nhất. Bởi sữa mẹ luôn là dưỡng chất vàng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Có những mẹ đủ lượng sữa để cho bé bú hoàn toàn sữa mẹ trong 1 năm đầu đời hoặc hơn. Đây là điều kiện lý tưởng để bé phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các mẹ đều có đủ lượng sữa, cũng như thời gian cho bé ti trực tiếp hay vắt sữa. Thời điểm này cho bé ăn dặm sẽ là phương pháp để bé làm quen với các loại thức ăn khác để mẹ dễ dàng cai sữa về sau.

Từ tháng thứ 6, bé sẽ cần khoảng 700Kcalo mỗi ngày để đáp ứng các hoạt động nhiều hơn trong ngày. Trong khi, sữa mẹ sẽ chỉ đủ để cung cấp nguồn năng lượng khoảng 450Kcal/ngày. Để bù đắp lượng năng lượng thiếu hụt mẹ cần bổ sung thêm các món ăn dặm cho bé.

Vậy khi nào thì kết thúc quá trình cho bé ăn dặm?

Khi bé được 24 tháng tuổi mẹ nên kết thúc giai đoạn ăn dặm để bé có thể bắt kịp với các bạn khi đi nhà trẻ. Mẹ nên cho bé ăn những thức ăn có trong bữa cơm của gia đình nhưng nên nấu mềm để bé tập nhai. Mẹ nên kết thúc thời kỳ ăn dặm cho bé đúng thời điểm. Vì nếu kéo dài sẽ khiến bé gặp nhiều khó khăn như không biết nhai, khó hòa nhập với trường lớp. Do bé sẽ phải ăn theo chế độ khác với các bạn.

Đến khi kết thúc giai đoạn ăn dặm, bé sẽ được làm quen với rất nhiều thực phẩm khác nhau. Mẹ cũng sẽ biết được thói quen, sở thích ăn uống của bé trong suốt thời kỳ này.

2. Duy trì cho bé bú mẹ song song với ăn dặm đến khi bé được 2 tuổi

Lợi ích của sữa mẹ với sức khỏe của mẹ

Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vừa bảo vệ sức khỏe của bé vừa có nhiều lợi ích cho mẹ. Rất nhiều các báo cáo khoa học đưa đến kết luận rằng việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sơ sinh có nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé.

Với bé bú sữa mẹ sẽ tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng đường ruột. Do khả năng tự điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu của sữa mẹ với cơ thể bé. Với các bé ti sữa công thức, mẹ vẫn sẽ duy trì cho bé ti như bé ti trực tiếp sữa mẹ.

Lợi ích cho mẹ

Với mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng giúp kéo dài thời gian vô kinh và giảm cân nhanh. Đây là một điều lý tưởng với các mẹ tăng cân quá nhanh trong thời kỳ mang thai. Nhưng đối với mẹ không tăng cân nhiều hoặc thiếu cân thì có thể sẽ hơi bất lợi. Với những mẹ trong trường hợp này, chỉ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng sau sinh cân đối, phù hợp đầy đủ dưỡng chất thì sẽ không lo giảm cân hay thừa cân.

Giai đoạn đầu cho bé ăn dặm sẽ để bé được làm quen mỗi ngày một chút đồ ăn. Thời gian về sau sữa sẽ được thay thế dần dần bằng các bữa ăn dặm của trẻ. Số lượng đồ ăn cũng như các bữa ăn dặm của bé sẽ được tăng dần lên cho đến khi bé 2 tuổi và có khả năng tự nhai các thức ăn khác nhau.

Tiếp tục cho con bú góp phần dinh dưỡng và năng lượng tốt hơn trong năm đầu đời. Trẻ em bú sữa mẹ trong giai đoạn 12 – 24 tháng nếu vẫn bú mẹ được đúng với dung lượng tiêu thụ “trung bình” của sữa mẹ ở độ tuổi đó nhận được 35% – 40% tổng nhu cầu năng lượng từ sữa mẹ. Cho con bú dài hơn giúp giảm nguy cơ giảm các bệnh mãn tính, béo phì và còn giúp nâng cao phát triển nhận thức cho bé tốt hơn.

3. Cho bé ăn dặm phải tuân thủ nguyên tắc ăn từ ít đến nhiều

Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ không nên hy vọng hay cũng không nên cho bé ăn nhiều dù bé có tỏ ra thích thú và muốn ăn tiếp đi chăng nữa. Mục đích cho bé ăn lúc này để giúp bé làm quen và kiểm tra xem bé có bị dị ứng với thực phẩm nào không.

Mẹ nên lưu ý nếu trong gia đình có thành viên bị dị ứng với thức ăn nào đó thì mẹ không nên cho bé ăn. Mẹ có thể tập cho bé ăn dặm bằng bột hoặc cháo loãng đã được rây/nghiền mịn. Mỗi bữa cho bé ăn dặm 1/2 bát ăn cơm và chỉ cần 1 – 2 bữa một ngày. Hệ tiêu hóa của bé lúc này còn quá non nớt. Nếu cho bé ăn quá nhiều dạ dày bé sẽ phải làm việc quá sức, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.

4. Khi tập cho bé ăn dặm nên cho bé ăn từ loãng đến đặc

Dạ dày bé đang quen với thức ăn chính là sữa. Vì sữa là chất lỏng nên dạ dày rất ít phải co bóp cơ học. Nên khi chuyển sang cho bé tập ăn dặm mẹ nên nấu loãng đồ ăn. Mẹ có thể nấu bột/cháo cho bé ăn nhưng nên nấu loãng để bé dễ tiêu hóa. Với cháo mẹ nên dùng rây hoặc các dụng cụ chế biến đồ ăn dặm để nghiền cháo mịn. Khi bé dần làm quen được với thức ăn dặm thì mẹ nấu đặc dần. Nhưng vẫn phải đảm bảo đồ ăn cho bé cần được nấu nhừ.

5. Cho bé ăn từ ngọt đến mặn

Khi cho bé ăn dặm, mẹ bắt đầu cho bé ăn từ bột ngọt được nấu từ bột gạo, bột yến mạch hoặc cháo cùng với rau củ và không nêm gia vị hoặc chỉ dùng chút xíu đường thôi. Mẹ không cần lo bé sẽ không ăn đâu. Vì lúc này, mọi thứ đều là lần đầu rất mới mẻ và bé sẽ nhiệt tình khám phá. Khoảng 2 – 4 tuần tiếp theo mẹ có thể nấu xen kẽ hoặc chuyển qua nấu bột mặn.

6. Không nêm các gia vị mắm/muối vào đồ ăn dặm của bé

Khi cho bé ăn dặm, nhiều mẹ sẽ mắc sai lầm vì nghĩ nêm chút gia vị sẽ giúp bé ngon miệng ăn tốt hơn. Nhưng không phải vậy đâu ạ, vị giác của bé lúc này gần như là con số không. Ngoài vị của sữa mẹ bé chưa biết được mùi vị nào để so sánh mà kén ăn.

Các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng và sức khỏe trẻ em vẫn luôn khuyên các mẹ không nên cho con ăn muối. Vì cơ thể bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển làm quen với mọi thứ xung quanh. Khi mẹ nêm mắm, muối vào đồ ăn của bé sẽ khiến thận của bé phải làm việc quá tải. Khiến thận bé suy yếu ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con.

Khi cơ thể bé đã làm quen với các hương vị từ thức ăn thì mẹ có thể nêm chút gia vị để tăng khẩu vị cho bé. Và nêm gia vị như muối/mắm mẹ nên nếm để đảm bảo nhạt hơn vị mẹ ăn một nửa.

7. Cho bé ăn một món từ 3 – 5 ngày

Trong khoảng từ 3 – 5 ngày là thời gian đủ để mẹ phát hiện xem bé có bị dị ứng với món ăn dặm nào không. Sau khoảng 3 ngày, nếu bé không có bất kỳ phản ứng nào với một loại thức ăn nhất định. Không bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón, nổi mẩn ngứa, phát ban… Đây là dấu hiệu mẹ có thể chuyển sang cho bé tập ăn loại thức ăn khác được rồi.

8. Cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng từ các thực phẩm cho bé tập ăn dặm

Tập cho bé ăn dặm là chỉ là giai đoạn bổ sung thêm nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo cân bằng các dưỡng chất có trong bữa ăn dặm của bé.

– Nhóm thực phẩm chứa hàm lượng cao bột, đường:

Gạo, bột mì, bánh mì, mì, nui, bún, phở, ngô, khoai, các loại ngũ cốc. Đây là nhóm thực phẩm nhiều năng lượng và dễ tiêu hóa với trẻ. Vì ngoài chất đường, bột còn có hàm lượng chất xơ nhất định.

– Nhóm thực phẩm giàu đạm:

Có hai nguồn cung cấp đạm từ thực phẩm đó là nguồn đạm động vật từ thịt, cá, tôm cua, trứng, sữa… Và nguồn đạm thực vật từ đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành và các loại đậu đỗ khác, an toàn và dễ tiêu hóa cho dạ dày của bé.

– Nhóm thực phẩm nhiều chất béo:

Các nguồn cung cấp chất béo có rất nhiều trong dầu thực vật, dầu cá, mỡ, bơ, phô mai, váng sữa và hạt có dầu. Nhiều mẹ đã hiểu sai về chất béo không tốt cho sức khỏe nên loại khỏi bữa ăn của con. Nhưng chất béo cũng rất cần thiết với sự sống và sức khỏe của mỗi người. Nó chỉ có hại khi bị dư thừa quá mức. Trong khi cơ thể thì lại không tiêu hao được lượng chất béo dư thừa.

– Nhóm vitamin và chất khoáng:

Đây là nhóm dinh dưỡng thiết yếu rất quan trọng với cơ thể của bé. Có rất nhiều trong các loại rau củ, trái cây. Vì vậy, mẹ nên đa dạng các loại thực phẩm này mỗi ngày để bổ sung được đầy đủ dưỡng chất từ các bữa cho bé ăn dặm.

9. Mỡ/dầu ăn được chế biến từ các loại hạt rất quan trọng đối với trẻ nhỏ

Sai lầm của phần đa các mẹ là chỉ nghĩ đến những mặt xấu của chất béo có trong dầu mỡ, mà không mấy quan tâm hay biết đến lợi ích và tầm quan trọng của nó đối với cơ thể của bé. Nên khi nấu đồ ăn dặm cho bé mẹ không cho hoặc cho rất ít dầu khiến bát bột/cháo/súp không cung cấp đủ năng lượng cho bé hoạt động mỗi ngày. Bản thân dầu mỡ cũng khá dễ tiêu hóa và hơn nữa lại rất giàu năng lượng. Đồng thời, còn tạo môi trường để hòa tan và giúp cơ thể hấp thu các chất khác. Điển hình là Vitamin D và canxi.

10. Nguyên tắc vệ sinh đúng và bảo quản thực phẩm an toàn tránh nhiễm khuẩn

Trước khi mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình chuẩn bị đồ ăn và cho bé ăn, cần phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn.

Các thực phẩm để cho bé ăn dặm cần được bảo quản an toàn. Mẹ cần cho bé ăn ngay sau khi chế biến đồ ăn còn ấm, không để quá lâu. Không cho bé ăn lại đồ ăn dặm đã để quá lâu.

Các dụng cụ chế biến đồ ăn dặm và cho bé ăn luôn luôn phải sạch sẽ. Mẹ nên rửa ngay sau khi nấu cũng như sau khi cho bé ăn xong.

Lưu ý quan trọng mẹ cần nhớ:

Tránh những thực phẩm dễ gây hóc/nghẹn

Khi bé ăn thực phẩm quá cứng so với độ tuổi. Bé sẽ ăn được rất ít và thời gian để ăn xong 1 món này lâu hơn. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tổng lượng mà bé ăn được trong 1 bữa.

Tăng dần số bữa ăn phù hợp với tháng tuổi

Số lượng bữa ăn sẽ phụ thuộc vào mức độ năng lượng được cung cấp từ các loại thức ăn. Với bé bú mẹ, khỏe mạnh chỉ nên ăn 1 – 3 bữa nhỏ/ngày khi bé được 6 – 8 tháng tuổi. Và 3 – 4 bữa ăn dặm từ 9 – 11 tháng. Từ khi trẻ được 12 đến 24 tháng tuổi nên cho bé ăn thêm 1 – 2 bữa phụ trong ngày. Và bữa phụ sẽ được ăn giữa các buổi chính mà bé có thể tự ăn được và dễ ăn.

Ăn uống trong và sau khi bé ốm/ bệnh

Tăng uống nhiều hơn ăn. Đặc biệt là bú nhiều sữa mẹ trong thời gian bệnh. Khuyến khích bé ăn các thực phẩm mềm, phong phú, ngon mà bé thích. Sau khi bé khỏi bệnh, cho bé nhiều thức ăn hơn và khuyến khích bé ăn nhiều hơn.

Những nguyên tắc vàng về cho bé tập ăn dặm mẹ phải “nằm lòng”, nếu không muốn con rơi vào tình trạng biếng ăn, sụt cân hay suy dinh dưỡng. Mẹ có thể tìm hiểu thêm nhiều hơn nữa về các phương pháp ăn dặm cho trẻ để áp dụng phù hợp với con của mình như ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm tự chỉ huy, ăn dặm truyền thống cũng hoàn hảo nếu mẹ chắt lọc thông tin cũng như điều chỉnh phù hợp với bé nhà mình. Chúc mẹ có những trải nghiệm thật tuyệt vời khi chuyển sang một trang mới. Cho bé ăn dặm thành công với những kiến thức hữu ích được chia sẻ trong bài viết này.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tuần này có KHUYẾN MẠI gì?
x