6 THÓI QUEN CẤM KỴ KHI CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH

6 THÓI QUEN CẤM KỴ KHI CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH

Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc làm không hề đơn giản. Để chăm con đúng cách, mẹ không chỉ học hỏi những phương pháp trong nước và nước ngoài mà cần phải lưu ý kiêng khem để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ thể non nớt của bé.

1. Dùng mật ong tưa lưỡi

Đánh tưa lưỡi bằng mật ong là kinh nghiệm dân gian truyền đời, được nhiều người cho là có hiệu quả, nhưng khoa học hiện đại chứng minh phương pháp này nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ sơ sinh dùng mật ong để tưa lưỡi hoặc uống (pha cùng nước cam). Lý do là hệ tiêu hóa của bé dưới 12 tháng tuổi chưa hoàn chỉnh, chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử vi khuẩn Clostridium Botulinum có trong mật ong. Độc tố Botulinum có khả năng tác động lên các dây thần kinh cơ, gây tê liệt, nặng hơn có thể dẫn tới tử vong. Để bé được an toàn, mẹ hãy dùng dung dịch tưa lưỡi có bán ở các hiệu thuốc tây để vệ sinh miệng cho bé.

2. Ủ ấm/chườm đá khi trẻ bị sốt

Trẻ sơ sinh không bị lạnh như trí tưởng tượng của người lớn. Đừng cố quấn con hay ủ con quá chặt trong tầng tầng lớp lớp áo quần khăn xô. Ủ ấm bé dẫn tới bé bị đổ mồ hôi, thấm ngược lại cơ thể và gây viêm phổi. Khi trẻ sốt, không nên ủ trẻ khiến thân nhiệt càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật, cũng không được chườm đá, lạnh. Bởi việc chườm đá, lạnh chỉ giúp làm mát tại vị trí chườm, còn thực tế, nó sẽ gây co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài hơn, gây sốt cao hơn. Khi trẻ sốt, chúng ta chỉ nên mặc thoáng mát cho bé, cho bé ở phòng thông thoáng.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt, mẹ cần làm như sau: Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, đặt bé ở phòng thoáng mát, cho trẻ uống nhiều nước và uống thuốc hạ sốt, lau mát cơ thể trẻ bằng nước ấm (khoảng 35 – 36 độ C). Theo dõi tình trạng sốt của trẻ, nếu sau 4 tiếng trẻ không hạ sốt hoặc có các dấu hiệu như nôn, trớ, khó chịu, co giật… phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

3. Rung lắc ru ngủ, nằm rôi rung với dao động mạnh

Rung lắc trẻ khi nựng, khi ru ngủ, hay khi dỗ dành trẻ là thói quen xấu của không ít phụ huynh, do lầm tưởng làm vậy bé sẽ thích. Sự thật là: rung lắc trẻ càng mạnh tay có thể vô tình gây tổn hại cho não trẻ, thậm chí tử vong do giập não, phù, chảy máu trong não, dẫn đến tử vong. Những tổn thương này có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc, thậm chí là 3 giây. Những tổn thương này rất khó có thể phát hiện, trừ trường hợp nặng. Nhưng khi lớn, trẻ có thể bị chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng và nhận thức…

4. Cho con uống quá nhiều nước lọc

Mẹ đừng nghĩ trẻ em như người lớn mà có thể uống nhiều nước lọc nhé. Các mẹ thường có một thói quen tưởng như tốt cho bé đó là cho trẻ uống nước sau khi bú sữa, cho bé uống nhiều nước để đỡ khát. Việc làm này tưởng chừng là hợp lý nhưng thực tế lại không hề tốt cho sức khỏe của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi vì nước có thể làm loãng chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và làm cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng có trong sữa.

Không chỉ vậy, nếu bố mẹ cho trẻ sơ sinh uống quá nhiều nước trẻ có thể có nguy cơ bị thiếu hụt natri. Theo các chuyên gia, nếu trẻ bị thiếu hụt natri có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Do đó, các mẹ nên nhớ, dưới 6 tháng tuổi, nguồn nước tốt nhất cho trẻ chính là sữa mẹ.

5. Cho con nằm gối

Trẻ sơ sinh không hề cần đến gối bởi xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng: đầu và lưng phải thẳng với nhau. Nhiều mẹ sữa cho rằng nên cho trẻ nằm gối cao để không bị trớ khi bú sữa hoặc để bé nằm thoải mái (như người lớn) là sai lầm. Gối đầu cao, cổ bé sẽ bị quẹo, xương sống bị thay đổi hình dạng, khiến khó hô hấp và nuốt thức ăn. Mẹ chỉ cần lấy khăn mỏng gấp lại kê cho con nằm thấm mồ hôi là được.

6. Nêm mắm muối vào đồ ăn dặm của bé

Cho muối vào thức ăn của trẻ ăn dặm không chỉ nguy hại mà còn là không cần thiết. Lượng muối trẻ sơ sinh cần là vô cùng nhỏ (không nhiều hơn 1gram một ngày cho đến 12 tháng tuổi). Sữa công thức và các thực phẩm trẻ ăn hàng ngày đã cung cấp đủ lượng cần thiết cho trẻ.

Trẻ dưới 1 tuổi chưa hoàn thiện chức năng của thận. Việc dung nạp quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở thận. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc trẻ ăn quá nhiều muối sẽ càng có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, não và cao huyết áp sau này.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tuần này có KHUYẾN MẠI gì?
x