CẢNH BÁO DẤU HIỆU BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở TRẺ mẹ cần phải biết

CẢNH BÁO DẤU HIỆU BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở TRẺ mẹ cần phải biết

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra và thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Như tên gọi, bệnh có các biểu hiện đặc trưng là các nốt da dạng bóng nước ở tay, chân, mông, gối, khuỷu tay, và những vết loét ở miệng.

Enterovirus là tên nhóm virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ, nhóm này có nhiều chủng nhỏ khác nhau. Coxsakievirus A16 là virus gây bệnh phổ biến nhất, bệnh với virus này thường nhẹ, tự hết và ít biến chứng. Tuy nhiên, Enterovirus 71 lại là chủng virus gây ra bệnh tay chân miệng với nhiều biến chứng nguy hiểm, và có thể dẫn đến tử vong. Khá may là số ca mắc bệnh do virus này gây ra ít.

Bệnh tay chân miệng ở người hoàn toàn khác với bệnh lở mồm long móng ở súc vật như heo, trâu bò, cừu. Hai bệnh này không liên quan gì đến nhau, và gây ra bởi hai nhóm virus hoàn toàn khác nhau. Nên sẽ không có tình trạng lây nhiễm từ động vật sang người hay ngược lại.

Bệnh tay chân miệng nguy hiểm luôn là lỗi lo của các bậc phụ huynh

Bệnh tay chân miệng nghiêm trọng đến mức độ nào?

Đa số các trường hợp bệnh nhi bị tay chân miệng, phục hồi hoàn toàn và không để lại bất kỳ biến chứng nào trong 7 – 10 ngày.

Biến chứng phổ biến nhất của bệnh tay chân miệng là mất nước do chủng Coxsackievirus gây ra. Vì khi bị bệnh trẻ bị đau miệng, cơ thể mệt mỏi, khó chịu nên không chịu ăn uống gì.

Số ít các trường hợp đặc biệt bệnh do Enterovirus 71 gây ra sẽ dẫn đến biến chứng viêm màng não, viêm não nguy hiểm với sức khỏe của trẻ.

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây

Vì bệnh sẽ lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng, nước miếng, dịch từ các bong nước, và phân của người bệnh. Trong tuần đầu tiên người bệnh sẽ rất dễ lây sang người khác. Bệnh tay chân miệng không truyền qua người từ nguồn súc vật hoặc thú nuôi trong nhà.

Bệnh tay chân miệng đa số xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng dễ có triệu chứng nặng hơn. Đa số người lớn đã có miễn dịch đầy đủ nên ít bị bệnh hơn. Mặc dù vậy thì cũng có những ca bệnh được báo cáo phát bệnh ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành.

Thời gian ủ bệnh

 

Thông thường, thời gian ủ bệnh là 3 – 7 ngày. 

Sốt là triệu chứng đầu tiên khi phát hiện bệnh, và sẽ thường chỉ sốt trong 1 – 2 ngày đầu. Những dấu hiệu chung chung như mệt mỏi, bỏ bú, quấy khóc ở trẻ nhỏ hay kém ăn và thường than đau họng ở trẻ lớn hơn đã biết nói nhưng lúc này chưa có có nốt loét trong miệng.

Sau khoảng 1 – 2 ngày sốt, trẻ bắt đầu có những vết chấm đỏ trong miệng, dần phát triển thành bọng nước và vỡ ra thành vết loét. Những vết loét này thường xuất hiện ở lưỡi, lợi, và vòm hầu, họng, mặt trong của má. Sẩn da cũng xuất hiện trong thời gian này, với những chấm đỏ, phẳng hoặc gồ lên, và nhiều khi phát triển thành bóng nước, thường phân bố ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, vùng khủy tay và đầu gối.

Một số ít trường hợp, khi trẻ bị biến chứng nặng, sẽ có những dấu hiệu thần kinh và hệ thống. Với những trường hợp bệnh nhi như này, trẻ cần được theo dõi sát và được điều trị chuyên biệt kịp thời.

Xem chi tiết: Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Nhận biết trẻ mắc bệnh

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

– Các dấu hiệu của bệnh tay – chân – miệng ở trẻ rất dễ nhận biết, bao gồm:

– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt từ 39 độ C trở lên, hoặc sốt trên 2 ngày. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

– Những nốt sẩn tổn thương ngoài da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

– Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc

Khi phát hiện con mắc bệnh, bố mẹ nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để khám kiểm tra. Nên đến các bệnh viện có chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ càng về cách chăm sóc trẻ, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng hơn, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.

Các dấu hiệu để phát hiện bệnh tay chân miệng nặng

– Quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ (cứ 15 – 20 phút lại tỉnh giấc, quấy khóc): Đây là triệu chứng thường dễ gây hiểu lầm nhất về tình trạng bệnh của trẻ. Vì bố mẹ cho rằng bé bị đau do các nốt, bọng loét trong miệng nên gây tình trạng khó chịu. Nhưng thực tế không phải, chính xác đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

– Sốt cao không hạ – trên 38,5 độ C kéo dài hơn hơn 2 ngày và kèm thêm tình trạng hạ nhiệt khi đã xử dụng thuốc paracetamol: Các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng một loại thuốc hạ sốt chuyên biệt hơn, chính là các chế phẩm có Ibuprofen.

– Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Ngay cả khi trẻ đang chơi thì bố mẹ cũng cần chú ý, quan sát xem tần suất giật mình của bé có tăng theo thời gian hay không.

Vì bệnh tay – chân – miệng chưa có thuốc đặc hiệu, cũng như chưa có thuốc tiêm phòng. Các trẻ cần được theo dõi để nhận ra sớm các dấu hiệu của bệnh, cũng như những triệu chứng khi bệnh trở lên nặng hơn để kịp thời điều trị.

Cách điều trị và chăm sóc

 

Bệnh chân – tay – miệng do nhiều loại virus gây nên. Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu và thường tự hết. Nên đa số các trẻ chỉ cần điều trị hỗ trợ trong thời gian bệnh để chờ tự hết.

Khi bị viêm loét miệng lưỡi sẽ rất đau, vì vậy trẻ thường quấy khóc, và không chịu ăn uống. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị mất nước, hạ đường huyết. Các bé cần được dùng thuốc giảm đau và ăn uống chậm, với những thức ăn lỏng, mềm, và dễ nuốt. Chia thành nhiều bữa trong ngày và mỗi bữa ăn sẽ ít hơn bình thường để bé không bị đau, và cho bé uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Nhiều trẻ sẽ chịu đồ lạnh hơn, vì có thể làm giảm đau ở vết loét cho trẻ. Nên không cần kiêng các đồ ăn hay nước uống lạnh. Có thể cho bé ăn, uống một chút nước lạnh sẽ giảm đau cho bé khi ăn hoặc uống.

Đối với những trường hợp bệnh nhi nghi ngờ bị biến chứng thần kinh. Hoặc có những dấu hiệu, tiêu chuẩn, nghi ngờ khả năng hay có nguy cơ bị biến chứng thần kinh cao, các bác sĩ sẽ quyết định cho trẻ nhập viện để bắt đầu điều trị chuyên biệt. Với những trường hợp đang nghi ngờ có dấu hiệu nặng có thể theo dõi sát các biểu hiện nhằm can thiệp kịp thời. Vì khi trẻ bị biến chứng thần kinh, bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và rất trầm trọng. Nếu phát hiện trễ, các can thiệp chuyên sâu sẽ không được hữu hiệu bằng, và vì vậy, hệ quả bệnh sẽ trở nên không lường được.

– Các biện pháp can thiệp để giúp giảm những cơn đau cho trẻ là dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad Gel-N.

– Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa, nước canh hầm để bổ sung dưỡng chất, tăng sức đề kháng cho bé.

– Tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt để vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn. Sau đó, dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Khi bị bệnh rồi, có bị lại không?

 

Khi một người bị bệnh tay chân miệng, sau đợt bệnh này, chỉ phát triển miễn dịch chống lại Virus gây đợt bệnh này mà thôi. Trong khi đó, nhóm enterovirus bao gồm rất nhiều loại virus khác nhau, vì vậy, người đó vẫn có thể bị lại bệnh tay chân miệng, nhưng gây ra bởi loại virus khác so với virus ban đầu.

Nguyên tắc phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả

– Cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Giữ gìn vệ sinh tay chân và cơ thể để phòng tránh bệnh hiệu quả

– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi. Bát đũa, đồ dùng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tráng lại bằng nước sôi để đảm bảo hơn. Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Với trẻ nhỏ không mớm thức ăn, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi.

– Lau rửa sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.

– Tránh tiếp xúc gần, như ôm hôn, dùng chung muỗng nĩa, chén, với người bệnh.

– Không cho trẻ đi học, hoặc đến các nơi vui chơi, tập trung của các trẻ nhỏ (công viên vui chơi, nhà bóng, hồ bơi…) cho đến khi trẻ hết bệnh hoàn toàn (thường sau 7 – 10 ngày sau khi khởi bệnh).

– Dạy trẻ che miệng, mũi khi ho hoặc hắt xì

– Bỏ các tã dơ, giấy chùi, khăn ướt khi chăm sóc trẻ bệnh vào bịch rác và đậy lại kỹ càng.

– Giữ sạch nhà cửa, trường học, hoặc trường mẫu giáo.

Những thông tin cần ghi nhớ: 

 

Ba mẹ hướng dẫn bé rửa tay đúng cách dưới vòi nước chảy

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị triệu chứng nặng hơn.

Đa số các trường hợp tự hết trong khoảng 7 ngày, và chỉ cần điều trị hỗ trợ. Chú ý khuyến khích cho trẻ ăn uống để tránh mất nước.

Một số ít trường hợp có nguy cơ biến chứng thần kinh sẽ được tư vấn nhập viên để theo dõi và can thiệp điều trị kịp thời.

Trẻ bệnh dễ lây bệnh cho trẻ khác, nhất là trong 7 ngày từ khi phát bệnh, vì vậy nên cách ly trẻ khỏi trường và khu vui chơi.

Nên theo dõi sát trẻ khi chăm sóc tại nhà, để có thể nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và cho trẻ tái khám đúng lúc.

Rửa tay và giữ vệ sinh tốt, hạn chế tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh, là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Bất luận thế nào cũng không được chủ quan, khi thấy con có những dấu hiệu kể trên, hãy đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn cụ thể. Ba mẹ cần ghi nhớ những dấu hiệu của bệnh đồng thời chú ý quan sát để phòng tránh bảo vệ sức khỏe của bé trước dịch bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát hiện nay.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tuần này có KHUYẾN MẠI gì?
x